LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN SỞ KH&ĐT TỈNH BẮC NINH

03/03/2017 09:09 Số lượt xem: 1406

Năm 2015, kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Kế hoạch và Đầu tư Việt nam. Trải qua chặng đường 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, ngành Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh luôn đồng hành, gắn bó với sự phát triển của tỉnh và của đất nước. Kế thừa và phát huy truyền thống của ngành từ những ngày đầu thành lập, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh không ngừng rèn luyện, phấn đấu, phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, không ngại gian khổ, nỗ lực làm tròn sứ mệnh “tham mưu tổng hợp”, xứng đáng với lòng tin của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh.

Theo dòng lịch sử:

Ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập, ngày 31/12/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đã ra Sắc lệnh số 78-SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết nhằm nghiên cứu, soạn thảo và trình Chính phủ một kế hoạch kiến thiết quốc gia về các ngành kinh tế, tài chính, xã hội và văn hóa. 

Ngày 14/5/1950, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra Sắc lệnh số 68-SL thành lập Ban Kinh tế Chính phủ (thay cho Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết). 

Ngày 8/10/1955, Hội đồng Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban Kế hoạch Quốc gia. 

Năm 1960, theo Lệnh số 18-LCT công bố Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Ủy ban Kế hoạch Quốc gia được đổi tên thành Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. 

Từ năm 1963, tỉnh Hà Bắc được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang, khi đó, Ủy ban Kế hoạch đổi tên thành Ủy ban kế hoạch tỉnh Hà Bắc.

Năm 1988, UBND tỉnh quyết định sáp nhập Ban phân vùng Kinh tế vào Ủy ban kế hoạch và bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ tổng hợp xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Tháng 9 năm 1994, UBND tỉnh quyết định giải thể Trọng tài kinh tế tỉnh, bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ tham mưu với UBND tỉnh về thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh cho Ủy ban kế hoạch.

Tháng 5 năm 1996, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Bắc được thành lập theo Quyết định số 38/UB ngày 02/5/1996 của UBND tỉnh Hà Bắc trên cơ sở tổ chức lại Ủy ban Kế hoạch tỉnh và chuyển nhiệm vụ hợp tác - đầu tư từ Ban đối ngoại sang Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Trong giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1996, qua các thời kỳ khác nhau, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của ngành Kế hoạch và Đầu tư được thay đổi, bổ sung song ngành Kế hoạch và Đầu tư luôn đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Một số kết quả nổi bật của ngành Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh qua các thời kỳ như sau:

1. Giai đoạn bước đầu xây dựng XHCN và đấu tranh thống nhất đất nước (1955 - 1975):

Từ những ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tỉnh Bắc Ninh trong tình trạng cơ sở hạ tầng nhỏ bé, lạc hậu, nền kinh tế kém phát triển, Ngành đã xây dựng các Kế hoạch khôi phục kinh tế và cải tạo XHCN, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu cho chế độ CNXH còn non trẻ và đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu, sức sản xuất được giải phóng, kinh tế phát triển.

Năm 1963, tỉnh Hà Bắc được thành lập và đặt ra mục tiêu phát triển trong những năm còn lại của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất là: “Ra sức phấn đấu để củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất XHCN, chú trọng củng cố phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp... đẩy mạnh các ngành sản xuất kinh tế, trung tâm là nông nghiệp...”.  Kết thúc kế hoạch 5 năm đầu tiên, kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển khá, hình thành nhiều cơ sở công nghiệp quan trọng, thanh toán được nạn mù chữ, đời sống nhân dân được cải thiện hơn.

Từ năm 1965 đến giữa năm 1975, Ủy ban Kế hoạch tỉnh đã tham mưu chuyển nền kinh tế sang thời chiến với hình thức kế hoạch hóa chủ yếu trong giai đoạn này là kế hoạch ngắn hạn, kế hoạch năm, kế hoạch quý và vào lúc cao điểm của chiến tranh phá hoại, đã áp dụng hình thức kế hoạch tháng để đáp ứng nhanh nhạy trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện. Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh tế thời chiến đã góp phần làm nên chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

2. Giai đoạn 10 năm xây dựng và bảo vệ tổ quốc XHCN (1976 - 1985):

Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, tỉnh thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1976-1980) và lần thứ 3 (1981-1985). Ngành Kế hoạch đã chủ động phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, địa phương tham mưu với các cấp lãnh đạo kịp thời khắc phục những hậu quả của chiến tranh, giải quyết các cân đối hiện vật, đảm bảo nhu cầu vật tư, thiết bị cơ bản của nền kinh tế; bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu; thực hiện phát triển văn hoá, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân và cộng đồng; xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, ổn định trật tự an toàn xã hội.

3. Giai đoạn đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đến khi tái lập tỉnh Bắc Ninh (1986 - 1996):

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, chủ trương mở cửa, hội nhập kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện tình hình thế giới có nhiều biến động to lớn, ngành Kế hoạch Hà Bắc đã không ngừng đổi mới, tham mưu đề xuất nhiều cơ chế, chính sách xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trên địa bàn tỉnh.

4. Giai đoạn từ khi tỉnh Bắc Ninh được thành lập từ năm 1997 đến nay:

Quá trình xây dựng, trưởng thành của ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh gắn liền với sự phát triển của ngành kế hoạch cả nước và sự phát triển toàn diện của tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh đã không ngừng đổi mới về nội dung và phương pháp xây dựng Kế hoạch, đổi mới về tư duy quản lý và công tác tham mưu, thực hiện các bước chuyển mạnh mẽ về chất, đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển của tỉnh.

 Ngày 16/12/1997, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành quyết định số 252/UB về việc quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh. Hiện nay, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh được quy định tại Quyết định 160/2009/QĐ-UBND ngày 08/10/2009 của UBND tỉnh Bắc Ninh. 

Sau gần 20 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, tổ chức bộ máy được kiện toàn, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được tăng cường từ chỗ có 13 người năm 1997, đến nay có 92 người, trong đó nam là 60 người (chiếm 65,21%), nữ 32 (chiếm 34,79%); về trình độ học vấn:  Tiến sỹ: 01 người, thạc sỹ: 37 người, Đại học: 59 người.

Suốt 70 năm qua, đặc biệt là từ khi tái lập tỉnh đến nay, ngành Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh luôn tập trung, chủ động, sáng tạo đổi mới, đoàn kết, hợp tác vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực làm tròn sứ mệnh của mình với tầm nhìn, chất lượng, hiệu quả cao. Chất lượng xây dựng và triển khai chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được nâng cao;  sự phối hợp có hiệu quả giữa các cấp, các ngành và địa phương nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công theo hướng công khai, minh bạch, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả... Quy hoạch, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã thực sự trở thành công cụ chủ yếu để điều hành nền kinh tế và quản lý xã hội của địa phương. Góp phần quan trọng để Bắc Ninh đạt được nhiều thành tựu to lớn đó là: Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, quy mô nền kinh tế lớn mạnh không ngừng, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, công nghiệp Bắc Ninh trở thành đầu tầu phát triển kinh tế, môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn đứng ở nhóm tốt nhất của cả nước góp phần thúc đẩy hợp tác đầu tư phát triển; mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, hệ thống giao thông liên tỉnh, liên vùng có bước đột phá và đồng bộ; lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đảm bảo, quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Với những nỗ lực, cố gắng trong thời gian qua ngành Kế hoạch và Đầu tư luôn được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đơn vị trong sạch vững mạnh, đứng trong tốp đầu khối các ngành tham mưu tổng hợp của tỉnh. Nhiều tập thể và cá nhân của ngành đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh tặng thưởng Cờ thi đua, nhiều Bằng khen và danh hiệu cao quý và năm 2012 Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng nhì.

Trong giai đoạn tới, giữa cơ hội và thách thức đan xen, phức tạp, cạnh tranh quyết liệt khi nước ta ngày càng hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngành kế hoạch và đầu tư tỉnh Bắc Ninh cần tập trung cao độ, phát huy hơn nữa tinh thần “Sáng tạo - Đoàn kết - Trí tuệ - Quyết tâm - Đổi mới”, xây dựng ngành kế hoạch và đầu tư ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Theo đó, cần tập trung triển khai những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, trong công tác quy hoạch: Phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu triển khai thực hiện có kết quả các Quy hoạch, Đề án, Kế hoạch hành động thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hôi của tỉnh. 

Hai là, trong công tác kế hoạch: Tham mưu điều hành thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm theo hướng chủ động, sáng tạo, đồng bộ, hiệu quả, linh hoạt. Thúc đẩy chuyển dịch, phát triển các ngành kinh tế công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp của tỉnh theo hướng tăng cường yếu tố kỹ thuật, công nghệ cao, hiện đại, ngày càng có giá trị và khả năng cạnh tranh cao; Xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng hiện đại; có tính liên kết mạnh, phát huy được lợi thế về địa kinh tế, trở thành khu vực trọng điểm tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm.

Ba là, Nâng cao hiệu quả huy động, quản lý vốn đầu tư; tăng tỷ lệ huy động vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP, đa dạng hoá nguồn vốn huy động, đầu tư trong, ngoài nước; tăng huy động vốn đầu tư từ kinh tế tư nhân, vốn nước ngoài,  đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; 

Bốn là, Tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư, chú trọng mời gọi các tập đoàn kinh tế lớn, có thương hiệu quốc tế với nhân lực, khoa học, kỹ thuật, công nghệ trình độ cao nhằm nâng cao năng lực sáng tạo của nền kinh tế.

Năm là, Tập trung cải cách hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, đăng ký doanh nghiệp,… góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). 

Sáu là, Thường xuyên củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức, đội ngũ cán bộ ngành Kế hoạch và Đầu tư đảm bảo ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với truyền thống và thành tích đạt được trong 70 năm qua, để xứng đáng với niềm tin Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, giai đoạn tới ngành Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh sẽ tiếp tục tập trung trí tuệ, đổi mới, sáng tạo, tham mưu nhiều giải pháp đột phá, hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần đưa tỉnh Bắc Ninh phát triển lên tầm cao, vị thế mới./.

 

 
 

Thống kê truy cập

Online : 3939
Đã truy cập : 113610990